Đa số các bậc cha mẹ có con bị thừa cân - béo phì đều mong muốn có được loại thuốc hoặc thực phẩm mà khi sử dụng sẽ giúp bé giảm cân nhanh chóng trong vòng một vài tuần. Thật sự là không có loại thuốc thần tiên và loại thực phẩm diệu kỳ đó!
Trẻ em đang tuổi ăn, tuổi ngủ và tuổi lớn, nên nếu áp dụng các thực đơn giảm cân khắc nghiệt như người lớn sẽ dễ thất bại và dẫn đến những hậu quả như chậm tăng trưởng chiều cao, thiếu các vi khoáng chất cần thiết làm trẻ giảm sức đề kháng dễ mắc các bệnh lý nhiễm trùng. Những nội dung sau đây sẽ giúp các bậc phụ huynh có thêm kiến thức khoa học trong quá trình giảm cân cho trẻ:
Khi thấy trẻ tăng cân ào ạt khó kiểm soát, gia đình thường vội vã điều chỉnh bằng cách: cắt bữa ăn sáng hoặc bỏ sữa ra khỏi thực đơn hàng ngày của trẻ. Điều này sẽ dẫn đến tình trạng trẻ bị hạ đường huyết, học kém tập trung, chậm tăng chiều cao,…
Thực hành đúng ở nội dung này là:
• Giảm 1/5 đến 1/4 lượng cơm và thức ăn trong 3 bữa ăn chính (ngoại trừ rau).
• Giảm tần suất các món ăn vặt: Giả sử, mỗi ngày trẻ thường ăn đầy đủ các món sữa chua, váng sữa, bánh gạo, thì bạn hãy giảm còn 1 trong 3 món cho mỗi ngày. Ví dụ, thứ 2 cho trẻ ăn sữa chua, thứ 3 ăn bánh gạo, thứ tư ăn váng sữa,...
Việc cắt giảm khắt khe lượng chất béo trong khẩu phần sẽ dẫn đến tình trạng chậm tăng trưởng chiều cao, da kém mịn màng và dễ mắc các bệnh nhiễm trùng, do cơ thể không hấp thu tốt các vitamin tan trong chất béo có vai trò bảo vệ (vitamin A, D, E).
Khôn khéo nhất là bạn hãy chế biến các món ăn bằng chảo không dính, đong chất béo bằng muỗng và dùng lượng chất béo ít, nhưng cũng đủ làm món ăn ngon. Cũng nên hạn chế cho trẻ ăn những món có kèm hành mỡ hoặc nước sốt làm từ dầu, mỡ, mayonnaise, phô mai, nước dừa,...
Nếu bữa ăn trưa trẻ đã ăn các món béo, thì buổi chiều thực đơn sẽ là các món kho, hấp, luộc.
Đa số trẻ thừa cân - béo phì được gia đình cho ăn cơm rất ít, nhưng lượng thức ăn lại không được kiểm soát trong quá trình chế biến. Thực phẩm dùng làm các món ăn được tẩm - ướp kỹ lưỡng với đường, mật ong,… sau đó lại đem chế biến với mỡ, dầu, bơ, tóp mỡ,… Một số món lại ăn kèm với hành mỡ, mayonnaise, nước sốt,… Vì vậy, năng lượng từ các món ăn có thể cao hơn cơm trắng gấp nhiều lần làm trẻ tăng cân ào ạt.
Nếu trẻ có thói quen ăn nhiều, bạn hãy cho trẻ ăn 1 chén canh rau hoặc 1 đĩa trái cây trước bữa ăn chính, điều này giúp điều hòa cảm giác đói làm trẻ ăn ít đi một cách tự nhiên.
Để có được món canh ít năng lượng, bạn hãy thực hiện như sau:
• Chọn rau hoặc bí, bầu, su để nấu canh, không nấu canh khoai, canh nui, canh miến, không dùng phở, mì, hủ tiếu,… làm canh.
• Chọn nấm, tôm tươi, tôm khô đế nấu canh, không dùng xương, đuôi heo, giò heo,… để hầm canh.
• Không xào các món dùng để nấu canh.
Dễ nhận biết các loại trái cây này qua 2 tiêu chí: Ngọt thanh - nhiều nước; ví dụ như thanh long, dưa hấu, lê, táo, quýt ngọt, cam ngọt,… Nên cho trẻ ăn thô, không dùng dưới hình thức nước ép trái cây thêm đường, mật ong hoặc làm sinh tố với sữa đặc có đường, sẽ làm món trái cây trở nên giàu năng lượng.
Những loại trái cây sau đây rất giàu năng lượng, nên hạn chế sử dụng cho trẻ thừa cân - béo phì: chuối, bơ, xoài, mít, sầu riêng, nho Mỹ, các loại trái cây khô.
Khi đã lên bàn tiệc, bạn sẽ rất khó kiểm soát lượng thực phẩm trẻ ăn vào, vì vậy, hãy có kế hoạch giảm ăn tại nhà trước hoặc sau khi cho trẻ đi ăn tiệc. Ví dụ: Buổi chiều phải đi ăn tiệc, thì trong bữa ăn trưa bạn hãy cho bé ăn các món đơn giản, ít năng lượng như 1 tô cháo cá, nui hoặc miến nấu với tép bạc, bánh canh nấu với ít thịt nạc,…cho bé ăn thêm trái cây nếu bé than đói.
Nếu là tiệc tại nhà, bạn hãy chọn thực đơn có nhiều rau, trái cây và các món ăn chính ít năng lượng (lẩu cá, súp,...). Hạn chế chọn các món lăn bột chiên, các món chiên ngập dầu, các món ăn với các loại nước sốt béo ngậy hoặc cơm chiên.
Trẻ thừa cân - béo phì thường thích ăn ngọt, đôi khi trẻ tăng cân nhiều là do sử dụng các món ăn vặt có nhiều đường (chè, bánh, kẹo, sô cô la, trà sữa, sinh tố xay với sữa đặc có đường, nước ngọt,..),…Nếu đây là thói quen ăn uống của trẻ thì bạn hãy giảm dần tần suất cho trẻ sử dụng các món này.
Những loại hạt béo như hạt dẻ, hạt điều, hạt óc chó, hạnh nhân có chứa những dưỡng chất có lợi cho sức khỏe, nhưng rất giàu năng lượng, bạn nên cân nhắc khi cho trẻ sử dụng chúng.
BS CK II Nguyễn Thị Ngọc Hương
Theo Tạp chí Sức khỏe - Khoe24h.vn